Nhu cầu tuyển dụng nhân viên trong các ngành về kỹ thuật, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khoẻ, dệt may, giày dép ngày càng cao trong những năm tới.
Theo chiến lược phát triển Công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 với tầm nhìn đến 2035, Chính phủ đã quyết định ưu tiên phát triển ba ngành công nghiệp chính, bao gồm chế biến và sản xuất công nghiệp, điện tử- viễn thông, năng lượng mới và tái tạo.
Chiến lược sẽ tập trung chú trọng vào các lĩnh vực then chốt, bao gồm điện, khai thác khoáng sản và chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy sản, thực phẩm, nước uống giải khát, hoá chất, hàng may mặc, giày dép, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, luyện kim và xăng dầu.
Dựa vào chiến lược này thì lực lượng lao động sẽ có nhiều cơ hội hơn để kiếm việc làm. Theo dự báo nhu cầu về tổng nguồn nhân lực chuyên nghiệp, các ngành kỹ thuật và công nghệ chiếm tỷ trọng cao nhất với 35%; Tiếp đến là nhóm ngành về kinh tế, tài chính, ngân hàng, pháp luật và hành chính với 33%; ngành khoa học tự nhiên chiếm 7% và những ngành khác chiếm từ 3-5%.
Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, số lượng việc làm ở Việt Nam có thể sẽ tăng 14,5% vào năm 2025 nhờ sự tham gia của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Việt Nam dự kiến sẽ nhận được sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, công nghệ thông tin và chế biến thực phẩm, khi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết.
Trong khi đó, các ngành như dệt may, giày dép, thủ công mỹ nghệ, điện tử, gỗ và đồ gỗ, chế biến thuỷ sản dự kiến sẽ mở rộng, tạo thêm nhiều việc làm.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (FALMI) tại thành phố Hồ Chí Minh, một số ngành mới trong tương lai sẽ được hình thành dựa trên cơ sở các ngành công nghiệp hiện có, do kết quả của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
Dựa vào thống kê sơ bộ cho thấy ngành Công nghệ thông tin là một trong những lĩnh vực có nhu cầu lớn về nhân viên lành nghề. Tuy nhiên, có một nghịch lý xảy ra là trong khi nhiều doanh nghiệp đang cần nhân viên chất lượng cao thì một số lượng lớn lao động chuyên môn trong lĩnh vực này vẫn đang thất nghiệp.
Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng nhân viên Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về năng lực chuyên môn, kỹ năng ngoại ngữ và thói quen làm việc sẽ là bức rào cản trở họ cạnh tranh với lao động nước ngoài, đặc biệt là khi Việt Nam gia nhập vào TPP và AEC.